Đôi nét về cuốn sáchLan man ẩm thực Châu Âu
Nhận xét của báo chí"Rất hồn nhiên và phóng khoáng theo đúng phong cách của Ngô Thị Giáng Uyên từ trước đến nay, cô gái đam mê du lịch tự nhận mình là “tín đồ” sùng bái chuyện ăn uống. Trên bước đường rong ruổi đó đây, cùng với việc khám phá vẻ đẹp nguyên sơ, tiềm ẩn của cảnh vật quanh mình, Uyên cũng kịp thưởng thức không ít món ngon vật lạ ở nơi chốn từng đặt chân qua"
(Tủ sách Tuổi Trẻ)
"Hơn năm năm nay, Ngô Thị Giáng Uyên được người đọc biết đến là cây bút mảng du ký có văn phong giản dị, trong sáng.
Đọc cuốn sách mỏng này như được cùng tác giả la cà ngắm nghía và thưởng thức những món Đức, Ý, Pháp, được nghe nhiều chuyện kỳ thú xê dịch nhưng có khi lại bùi ngùi nhớ nước mắm, mắm ba khía hay bánh xèo ngày mưa, bánh tét ngày tết…, chợt hiểu hơn, khẩu vị mỗi người cũng là câu chuyện được sinh ra từ văn hoá"
(báo Sài Gòn Tiếp Thị)
"Quyển sách tập hợp những tản văn "Lan man ẩm thực châu Âu" như tác giả Ngô Thị Giáng Uyên tự gọi. Tập sách thứ ba (sau Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương và Sống xanh) này tiếp tục cho thấy Giáng Uyên có năng lực ghi chép và truyền đạt một cách giản dị nhiều vẻ đẹp và mùi vị sinh động từ đời sống riêng nhiều trải nghiệm du lịch thú vị"
(Khả Linh, báo Tuổi Trẻ)
Mời bạn đóc đọc!
Một vài trích đoạn"Nhưng đặc biệt hơn hết phải kể đến tapas, món ăn nhẹ có mặt ở những quán bar và nhà hàng. Mỗi món để trong một dĩa nhỏ xíu bằng bàn tay, có thể là món nguội như ôliu, salad cá cơm dầu giấm, hoặc món nóng như thịt băm viên xốt cà chua, xúc xích chorizo hầm rượu vang đỏ, trứng chiên kiểu địa phương. Tuy nhiên nhắc đến tapas, nhiều người nghĩ ngay đến những khoanh bánh mì nhỏ bằng ba ngón tay, phía trên phủ một món mặn như thịt giămbông, trứng cá, tôm sốt tỏi, bày trên quầy trông thật “gợi cảm”. Chữ tapa tiếng Tây Ban Nha nghĩa là nắp phủ, nắp đậy, vì vậy nhiều người cho rằng món này được sáng chế bởi nông dân vùng Andalucia, khi họ dùng miếng bánh mì phủ lên ly rượu để tránh ruồi. Sau đó người ta có sáng kiến đặt lên mấy trái ôliu muối, miếng phó mát, rồi cá hồi xông khói, vậy là thành một món ăn nhẹ ngon lành"
(trích "Phong cách bánh mì")
...
"Khi còn sống ở Việt Nam, đọc những bài tùy bút về món ăn của những người sống ở nước ngoài tôi thường nghĩ chắc họ làm bộ “xa quê hương nhớ mẹ hiền”, không có món này thì ăn món khác. Đến khi tới lượt mình, mới biết chắc cái chất nước mắm đã ngấm vào máu mất rồi. Không có nước mắm trong người bứt rứt khó chịu làm sao. Dù ăn món Tây ở nhà cũng đi lấy một chén nước mắm bẻ ớt khô vắt chanh vào, để muốn chấm gì thì chấm. Nhà tôi ở ai đến chơi cũng nói sao nhìn cách trang trí không biết có người Việt sống trong nhà. Tuy nhiên, chỉ cần tôi dắt vào bếp mở tủ ra chỉ vào bộ sưu tập: nước mắm cá cơm, nước mắm cá sặc, măng dầm ớt, tôm khô, mắm ruốc, phở, miến, bánh đậu xanh, xí muội, bột bánh xèo, bột bánh bèo, bột bánh cuốn, gạo nếp, chà bông… bảo đảm sẽ gật gù “nhà có người Việt thiệt”.
(trích "Ăn đồ Việt với Tây")
...
"Tôi tạt vào quầy súp, gọi món súp cá hồi đặc sản và được mang ra một tô bốc khói nước súp nóng bỏng, với những sớ phi lê cá hồi hồng hồng dầm lẫn khoai tây vàng ươm. Cá hồi ở đây quả “danh bất hư truyền” (vì lẽ đó mà các siêu thị ở Anh nơi tôi sống luôn có cá hồi Bắc Âu trong quầy hải sản), thịt cá chắc và ngon tuyệt, đưa một muỗng nước súp có cá hồi dầm lên, mùi thơm lừng trên mũi khó mà đợi thêm một giây nào không đưa lên miệng. Những miếng khoai tây được nấu nhừ nhưng không nát, còn nguyên vẹn hình khối, thật hòa hợp với súp cá lẫn thêm hành tây được xào sơ trước khi trút vào, giòn sần sật để đi đôi với vị khoai tây nhuyễn"
(trích "Ăn hàng chợ Helsinki")
"Quệt một ít kem đông vào dao ăn, mùi kem béo thơm làm chảy nước miếng. Miếng bánh scone bổ đôi được phết kem đông nhìn ngon không thể tả, cắn một miếng - cái béo ngậy của kem tươi, cái mềm ấm của bánh, kèm theo cái hơi đăng đắng của ngụm trà chắc chắn sẽ làm dậy lên trong bạn tình yêu đồng quê, với những mái nhà tranh lúp xúp như tai nấm mũm mĩm, những con bò khoang trắng đen gặm cỏ trên những cánh đồng xanh mướt trải dài ngút mắt. Đây cũng là món ăn ngày trước vợ những người nông dân Anh hay mang ra đồng cho chồng ăn buổi chiều, sau khi cày xong ruộng lúa mì lúa mạch. Ngày nay mọi thứ trên đồng ruộng ở đây đều đã được thay thế bằng máy móc. Và trà kem từ món ăn quê mùa đã thành đặc sản Anh, chỉ ở Anh mà thôi vì đặc tính món này không cho phép xuất khẩu hay chuyên chở đi quá xa. Vả lại, món ngon phải được làm theo kiểu cổ truyền, không đủ cho dân bản xứ ăn, lấy đâu ra mang đi nơi khác!"
(trích "Hôm nay có trà kem")
Mua sách ở đâuSách có bán tại các nhà sách trên toàn quốc