NHỮNG BÀI BÁO ĐÃ ĐĂNG

XÚC XÍCH NƯỚNG, YAOURT MẬT ONG VÀ HƠN NỮA…


(Bài đăng trên Thế Giới Ẩm Thực tháng 8-2007)

Mới đây, một chị bạn tôi hỏi "Nghe nói ở Anh ăn dở mà khổ lắm phải không em? Bạn chị kể qua đó thấy có mấy đứa sinh viên ngày nào cũng gặm bánh sandwich trên bãi cỏ trường đại học vào giờ trưa, nhìn cô đơn lắm".

Của đáng tội, món ăn Anh cũng không đến nỗi dở như người ta thường đồn đại, một phần cũng vì vật giá đắt đỏ quá, cũng chừng đó tiền qua Pháp hay Ý tha hồ ăn uống phủ phê còn ở Anh chỉ ăn được lát pizza hay cái sandwich thôi. Những ngày đi học ở Anh, sáng sáng tôi cho bánh làm sẵn mua ở siêu thị (không chút “khởi sắc” về mặt mùi vị ẩm thực) vào nấu trong lò viba, thêm trái chuối- có khi thay bằng trái cam, mận vàng, chùm dâu hay trái đào- và chai nước, rồi buổi trưa sau giờ học ngồi dựa vào gốc cây trong khuôn viên trường mà ăn chung với đám bạn. Sau khi hoàn tất bằng cao học căng thẳng, tôi hớn hở tuyên bố “Đã tới giờ của Lọ Lem”, rồi một tuần lễ sau bắt đầu chuyến chu du ẩm thực xuyên Châu Âu để ăn uống cho bõ những ngày cực khổ.

Du khách trước khi đến Thụy Điển đều vẽ ra trong đầu hình ảnh những người cao lớn tóc vàng mắt xanh, ngồi trong nhà hàng trang trí bằng đồ nội thất của IKEA trong tiếng nhạc ABBA, trò chuyện bằng điện thoại Sony Ericsson và chỉ ăn ba món thịt băm viên, cá trích ngâm dấm và khoai tây luộc. Nhưng đó chỉ là những khuôn mẫu người ta thường đồn đại vì quả sai lầm khi nghĩ rằng món ăn của đất nước lớn nhất vùng Scandinavia này đơn điệu và thiếu phong cách riêng.

Tôi được ăn tô súp ngon nhất Châu Âu trong chợ Ostermalmhallen, một khu chợ lớn có mái vòm ở Stockholm, bán đầy những thức ăn địa phương mới nấu. Hành trình tìm đến chợ này rất "gian truân" vì cả tôi và ông bạn người Anh Alastair đi cùng đều dở xác định phương hướng, đi lòng vòng một hồi bị lạc tới nhà hát thành phố, bên trong có nhà hàng Operakällaren được xem là nơi xa xỉ vào bậc nhất Thụy Điển. Chúng tôi ngồi nghỉ chân trên ghế bên ngoài, bụng đói meo, và vì đã quyết tâm ăn bằng được món súp hải sản ở chợ mà một tờ báo ở Anh đã giới thiệu nên bây giờ có ăn ngọc ăn vàng, ăn trứng cá caviar hay nem công chả phượng cũng không ngon.

Cuối cùng chúng tôi cũng lò dò đến được khu chợ như mong mỏi. Đến nơi đúng giờ cơm trưa, dân văn phòng túa ra ăn nhiều như nấm, đứng trước chúng tôi là vài chục người mặc đồ vét lịch sự đang kiên nhẫn xếp hàng. Hải sản là món ăn chính ở vùng Scandinavia- nơi cung cấp hải sản lớn nhất Châu Âu- nên tô súp của tôi rất "thịnh soạn", hơi giống súp bouillabasse của Pháp nhưng ngon hơn nhiều so với món súp ở Paris tôi từng ăn, có lẽ một phần khi chờ tới lượt tôi đã đói gần xỉu. Tô súp đầy những sớ cá biển Baltic được gỡ thịt trắng phau ngon dai, tôm bóc vỏ đỏ au chắc nịch, mực giòn sần sật, thỉnh thoảng lại lẫn vào những con hàu tươi rói núc ních thịt mọng nước. Nước súp được làm toàn bằng hải sản nguyên chất, thêm cà chua bằm nhuyễn đỏ au nên ngon đậm đà, trên lại phủ một lớp kem tươi mỏng làm tăng thêm vị béo ngầy ngậy. Còn bánh mì ở đây làm bằng lúa mạch (nên chắc phải gọi là bánh mạch chăng?) không biết nướng lúc nào mà giòn tan, phết bơ lên trên ăn kèm súp không gì bằng. Xung quanh tôi, dân văn phòng cũng đang xì xụp húp món đặc sản này trên những chiếc bàn trải khăn kẻ carô. Cạnh tôi, Alastair ăn món lutefisk truyền thống Thụy Điển, trên đĩa là khoanh cá tuyết lớn phủ sốt trắng đặc như kem, ăn kèm khoai tây nghiền và thịt băm viên. Trước khi nấu, cá tuyết được ngâm nước lạnh từ năm đến sáu ngày, sau đó nhúng vào dung dịch nước hòa tro từ cây linh sam (đúng là "phú quý sinh lễ nghĩa") trong vòng hai ngày để miếng cá phồng lên lớn gấp rưỡi ban đầu, sau đó ngâm nước lạnh thêm hai ngày nữa trước khi nấu bằng cách hấp rồi bỏ lò.

Được ăn ngon, chúng tôi tươi tỉnh trở lại và đi dạo một vòng quanh khu chợ, nơi có nhiều quầy bán rau quả tươi Bắc Âu: việt quất mọng nước, quả lý chua, dâu tươi đỏ thắm, bắp cải tím xanh xếp thành lớp đẹp như những bông hoa khổng lồ…, và đặc biệt nhất là nấm vàng Scandinavia. Những tai nấm mỡ màng, hơi giống nấm mối nhưng màu vàng mướt trông mập mạp ngon lành không thể tả, dễ làm ta tưởng tượng tới những khu rừng cổ tích có nấm mọc dưới gốc cây sồi già, nơi những cô bé mặc áo đầm hoa xinh xắn rủ nhau đi hái nấm đựng trong lẵng đan bằng cây liễu.

Ngày cuối cùng, sau một buổi đi bộ mỏi chân quanh khu phố cổ Gamla Stan muôn màu, chúng tôi ghé vào Chokladkoppen (tiếng Thụy Điển nghĩa là “cốc sôcôla”), quán nhỏ trong tòa nhà xưa Stockholm sơn màu vàng cam, những ô cửa sổ vuông vắn và đầu hồi uốn lượn. Bắc Âu lạnh hơn nhiều so với những nước khác nên chúng tôi không ngồi ngoài quảng trường Stortorget mà vào trong căn phòng nhỏ bé và ấm cúng, sực nức mùi bánh quy bơ mới nướng và hạt cà phê rang. Bên trong có cả một bếp nhỏ bày những tô đựng đầy cam chín cây, trên bàn khách là những đế đựng nến bao bọc lớp sáp nến dày từ những lần thắp trước. Chúng tôi uống sôcôla nóng trong những cốc dày, nhấm nháp semlor, loại bánh có từ thế kỷ 16 tròn múp míp làm bằng bột mì pha hương bạch đậu khấu, chính giữa xẻ ra nhét bơ hạnh nhân và lớp kem tươi dày, mịn màng béo ngậy, trên rắc lớp đường vani li ti. Bánh ăn theo kiểu truyền thống sẽ để trong một đĩa sữa tươi còn âm ấm ăn cùng, nhưng tôi ăn không kèm sữa để thưởng thức được vị ngon rất riêng. Dù bánh rất ngon, tôi cũng không dám ăn nhiều vì vừa mới đọc được câu chuyện về vua Thụy Điển Adolf Fredrik chết năm 1771 sau khi ăn quá nhiều semlor cuối bữa dạ tiệc linh đình.

Tôi chia tay một tuần lễ giá lạnh trên bán đảo Scandinavia để về với nắng Địa Trung Hải bằng chuyến bay Thụy Điển- Hi Lạp trên chuyến bay của hãng hàng không có cái tên khá ngộ: Bông tuyết (Snowflake) *. Ẩm thực của "quê hương thần thoại, thuở hồng hoang đã thấy, đã xanh ngời liêu trai" cũng khác hẳn Thụy Điển như chính khí hậu hai vùng ở hai đầu Châu Âu này.

Bạn tôi đón tôi từ sân bay và chở thẳng đến trung tâm Athens, vào một hàng bán souvlaki để bếp bên ngoài, thịt nướng xèo xèo tỏa mùi thơm khó cầm lòng được. Souvlaki gồm thịt heo hoặc thịt gà, tuần tự một miếng nạc một miếng mỡ xắt quân cờ, xiên que nướng trên than hồng rực, khi ăn kẹp trong bánh pita (bánh mì ổ dẹp Hi Lạp, nay đã thành món bánh đại chúng trên khắp thế giới) chung với rau ngâm dấm. Hãy tạm quên cholesterol khi bạn đang ăn món này, cứ thưởng thức "đã đời" món thịt nướng ướp cỏ xạ hương và bia, thoảng mùi khói như níu bước chân rồi chịu khó về tập thể dục vậy! Nếu không muốn ăn với bánh pita, có thể xiên thịt xen kẽ với các loại củ quả trước khi nướng, rồi chấm với xốt tzatziki làm từ yaourt, dưa leo xay nhuyễn và nước ép tỏi. Trên khắp Hi Lạp đâu đâu cũng thấy những quầy bán souvlaki thơm phưng phức kiểu này, chả trách người Hi Lạp phần đông "tròn trịa" hơn những người láng giềng Châu Âu khác.

Tôi ở Hi Lạp hai tuần với gia đình bạn trên đảo Evia, một kỳ nghỉ mát "chân chính" sau những giờ làm luận văn căng thẳng. Ở đây, tôi học cách làm món rau trộn kiểu Hi Lạp, với dưa leo và hành tây tím xắt khoanh trộn dầu ôliu extra virgin địa phương, rưới vài trái ôliu đúng nghĩa nhà trồng được, hái từ khoảng sân sau nhà, thêm những miếng vuông phô mai feta nhìn hơi giống miếng đậu phụ nhưng mùi thơm nồng. Tôi cũng học cách làm món ăn truyền thống moussaka (đặc trưng như phở với người Việt vậy) gồm những lớp cà tím thái lát, thịt bò bằm nhuyễn, hành, bơ, trứng, sữa, phô mai và gia vị đem bỏ lò, khi ăn mềm và dai khá giống món lasagna thịt bằm của Ý. Ẩm thực Hi Lạp không thanh cảnh, tinh tế như những nước khác mà rất thịnh soạn, thường những bữa ăn tối luôn kèm theo pilafi, món gạo nấu bông lên ninh nhỏ lửa với bơ, gia vị và nước luộc gà; và không thể thiếu chai bia tươi Mythos (nghĩa là "thần thoại" trong tiếng địa phương, tiếng Anh myth cũng bắt nguồn từ tiếng Hi lạp) làm ta chếnh choáng trong khi chén đẫy những món ngon lành.

Còn món tráng miệng, ôi tôi chết mê chết mệt món tráng miệng "quốc túy" Hi Lạp với yaourt ăn kèm mật ong. Yaourt ở đây không ngọt, được làm từ sữa cừu nguyên chất không qua chế biến, đặc và dẻo quánh như kem trong miệng, rưới mật ong mới mua ở chợ về trong hũ còn nguyên tổ ong sáp. Tôi sáng chế thêm cách cho miếng nhỏ tổ ong vào ăn kèm, ngon lịm người. Sau này về Việt Nam, tôi cũng có dịp ăn lại món yaourt mật ong kiểu này trong một quán ăn ở Sa Pa sương mù cũng ngon không kém, có điều tổ ong kiếm đỏ mắt không ra nên đành rưới mật ăn tạm vậy. Mật ong là đặc sản Hi Lạp từ những cánh rừng Địa Trung Hải ấm áp nên ở đây có nhiều món tráng miệng khác từ mật ong. Trong đó phải kể tới món loukoumades có từ thời Hi Lạp cổ đại- được trao tặng cho những vận động viên giành chiến thắng tại các cuộc thi đấu cách đây vài ngàn năm- món bánh nhẹ như lông hồng theo đúng nghĩa đen được chiên ngập trong dầu ô liu cho tới khi ngả màu vàng nâu rồi vớt ra nhúng vào mật ong sôi lục bục.

Tôi rời Hi Lạp nặng thêm ít nhất 2kg so với lúc đến, nhưng thở dài nghĩ bụng chắc không tài nào ăn kiêng nổi khi qua Đức, lại đúng Munich, vốn ăn uống linh đình hơn những vùng khác ở đất nước xứ Alps này. Quả vậy, bữa ăn tối đầu tiên của tôi là một thiên đường protein với thịt heo quay da giòn tan vàng ruộm, ăn kèm bắp cải bào sợi muối chua đặc trưng Đức và bánh knodel làm từ khoai tây và vỏ bánh mì nghiền, khá giống dim sum của Hong Kong nhưng lớn hơn nhiều, tròn quay và vàng nhạt, kèm vại bia tươi mát lạnh nổi tiếng thế giới. Tôi có đọc đâu đó câu nói dân Munich bào chữa cho việc ăn nhiều và uống bia như hũ chìm của mình: Ăn nhiều khát nước phải uống, uống xong rồi... đói bụng phải ăn.

Vì vậy, hôm sau lúc đang rảo bước trên một đoạn đường nhỏ gần nhà ga trung tâm, bắt gặp một nhà hàng Thái nhỏ xinh có cô gái da ngăm đen đứng đảo mì trong chảo, tôi quyết định "phá lệ" vào ăn món Thái. (Trước đây tôi luôn tâm niệm đi tới đâu phải ăn món đặc sản địa phương nước đó nhưng lúc này tôi đang cần những thứ thanh đạm để bù lại bữa tối béo ngậy hôm qua). Trong khi húp tom yam, tôi giật mình nghe tiếng hát Quang Linh vang lên trong chiếc loa gần chỗ tôi ngồi. Nhìn quanh quất, tôi nhận ra trên tường treo bức tranh Việt Nam hình mẹ đang nằm võng cho con bú, còn sau lưng tôi, anh chàng phục vụ và cô gái da ngăm đen đứng đảo mì lúc nãy đang trò chuyện bằng tiếng Sài Gòn chính hiệu mà nãy giờ tôi không để ý. Tôi hỏi bằng tiếng Việt "Ủa, quán này của người Việt hả?", cả hai quay lại nhìn tôi, mắt tròn mắt dẹt. Thì ra nãy giờ họ tưởng tôi là người Thái.

Cả hai lại bàn bắt chuyện với tôi, rồi hỏi "Có phải bạn ở Anh qua du lịch?", tôi phục sát đất, hỏi lại "Sao biết hay vậy?". Anh chàng nọ chỉ vào những chiếc túi đựng xúc xích và thịt xông khói nặng trĩu tôi mới đi mua sắm từ chợ Virtualienmarkt về đặt cạnh bên: "Chỉ có dân ở Anh qua mới xài sang vậy thôi. Munchen là mắc nhất Đức rồi đó, đồ ở chợ này toàn là đồ tươi, "chất lượng", bình thường tụi này toàn ăn đồ siêu thị cho rẻ không hà". A, một khám phá khá ngộ đó chứ! Hai người bạn mới quen đãi đồng hương là tôi một ly bia vàng óng đặc sản Munich to "vật vã" ăn kèm với đồ ăn Thái của…Việt kiều Đức, vậy là đi tong dự định ăn uống thanh đạm.

Tôi còn quay lại ủng hộ nhà hàng Thái này một lần nữa, trước khi bắt đầu hành trình khám phá các loại xúc xích Đức nổi tiếng thế giới. Có vẻ như đó là một dự định khá "tham vọng", vì Đức có hơn 1.500 chủng loại xúc xích khác nhau, mỗi loại một vẻ. Do đó tôi dừng chân lại với lựa chọn kinh điển- xúc xích trắng Weiswurste, được mệnh danh là "nữ hoàng xúc xích xứ Bavaria", bọc một lớp ruột non mỏng bên ngoài, nướng lửa than chấm tương mustard cay nồng ăn kèm bánh xoắn Pretzel to gần bằng đầu người. Cầm lòng không được, dù no tôi vẫn gọi thêm một góc lớn đặc sản Blackforest gateau: bánh sôcôla xốp phủ kem dày, trên rải những trái anh đào tươi chín mọng, làm món tráng miệng.

Sau bữa tối ăn tối cuối cùng ở Đức ấy, tôi đi dạo một vòng quanh thành phố hít thở không khí mát dịu, chợt nghe tiếng hát Chris Martin của ban nhạc Coldplay vang lên từ ngôi nhà trong một con phố nhỏ khuất nẻo:

In my place, in my place
Were lines that I couldn't change
I was lost, oh yeah

I was lost, I was lost
Crossed lines I shouldn't have crossed
I was lost, oh yeah

Tôi đứng tựa vào bức tường đá bên ngoài ngôi nhà nọ, tự nhiên muốn ứa nước mắt. Lạy trời, lúc đó tôi mới nhận ra "Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt, nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà". Đất nước xa xôi vùng núi xứ Alps này không có tiếng cơm sôi, nhưng bài "In my place" (Ở nơi chốn của tôi) vẳng ra từ căn nhà nhỏ có lò sưởi ấm áp kia làm tôi chợt nhận ra tôi muốn về nhà quá. Đã khá lâu tôi không được ăn đồ mẹ nấu, bảy tháng gần đây lại không ăn hột cơm nào...

Tôi ra tiệm Internet gửi mail cho mẹ: "Ngày mai con về Anh lại để chuẩn bị đồ đạc. Tuần sau con về Việt Nam với mẹ luôn"...

NGÔ THỊ GIÁNG UYÊN

* Fly Snowflake: Một nhánh của hãng SAS (hàng không Scandinavia)


"Người đi nhờ xe", báo Doanh nhân Sài Gòn Cuối Tuần

SIGTUNA VÀ GIẤC MƠ SCANDINAVIA


Khi bắt đầu biết chút ít về địa lý và văn hóa thế giới, tôi luôn tưởng tuợng vùng Scandinavia với những ngôi làng êm đềm bên hồ nước lặng, nhà gỗ- nhất thiết phải bằng gỗ kia- vuông vắn nhỏ xinh như hộp diêm có những đứa bé tóc vàng chạy giỡn bên ngoài, lá vàng rắc trên khoảng sân rộng bên trong hàng rào sơn trắng toát.


Bởi vậy, khi đến Stockholm, thủ đô của Thụy Điển, cũng là thành phố lớn nhất Bắc Âu, tôi thực sự thất vọng. (Có lẽ cũng giống như khách du lịch phương Tây “tơ tưởng” về một Việt Nam có cổng làng, giếng nước, xe bò chở rơm và đồng lúa xanh mướt sẽ thấy thất vọng khi đến Sài Gòn). Stockholm mơ màng với phố cổ đẹp như tranh vẽ, những con sông xanh biếc và bến cảng có những con thuyền sơn xanh trắng neo bên bờ. Nhưng thành phố lịch lãm này quá khác Bắc Âu trong trí tưởng tượng thời thơ ấu của tôi.


Chỉ cách thủ đô 40 km, Sigtuna là cả một thế giới khác- thế giới đặc trưng Scandinavia trong giấc mơ “nhà quê” của tôi. Đây cũng là vùng đất xưa nhất Thụy Điển, ra đời từ năm 980 dưới thời vua Erik Segersall và đến nay vẫn giữ lại những nét thời kỳ “khẩn hoang”. Xe buýt đi ngang một hồ nước trong vắt, màu nước hơi xám nhạt vì trời đầy mây, những ngôi nhà gỗ vuông vắn rải rác và những chiếc thuyền câu cá không có chủ neo bên bờ phía xa xa. Tôi thốt lên: “Đây rồi! Đúng là mình đang ở Scandinavia!” Anh bạn người Anh thờ ơ: “Ở Stockholm mấy ngày rồi mà không biết đó cũng là Scandinavia hả cô nàng ngớ ngẩn?”. Anh học cùng trường đại học với tôi, đi Thụy Điển chuyến này với mục đích chính để gặp và làm quen con gái Bắc Âu tóc vàng mắt xanh mảnh khảnh xinh đẹp nổi tiếng thế giới, không phải hoài cổ tìm lại giấc mơ Scandinavia như tôi, nên tôi chẳng buồn cãi lại.


Xe buýt thả chúng tôi xuống ngã tư vắng vẻ, và khi đứng nhìn quanh quất, quả thật chúng tôi không biết bắt đầu từ đâu. Sigtuna nhỏ bé và yên tĩnh đến mức khó tin, giống một ngôi làng hơn khu phố. Bên trái nơi chúng tôi đứng, hồ nước lặng như tờ cây cối um tùm nghiêng bóng, (mãi sau này mới biết đó là một nhánh của hồ Malaren chảy qua nhiều thành phố Thụy Điển), bên phải là những ngôi nhà giản dị với dân địa phương tản bộ đi mua sắm. Chúng tôi băng qua đường đến hồ qua bãi cỏ còn đọng những giọt mưa buổi sáng vỡ ra dưới gót chân. Không gian yên ắng có thể nghe tiếng chim chóc chuyền trên nhánh cây hót líu ríu. Thỉnh thoảng con sóc nhỏ từ một hốc cây chạy ra, thấy người lại vội vã chạy đi đâu mất. Bên kia hồ, chúng tôi bắt gặp Strand Galleriet, quán cà phê và gallery tranh thật dễ thương có hoa thường xuân leo trên mái và ống khói gạch nung, với diềm cửa đỏ duyên dáng và bụi hoa tươi cũng cùng màu đỏ tươi tắn nở dưới bậu cửa sổ. Hàng rào gỗ nâu chỉ để làm duyên hơn che chắn, lấp ló mấy bộ bàn ghế sắt kiểu cách sơn trắng kê phía trong bên những búi hoa tím li ti. Nếu thu nhỏ quán cà phê- gallery này lại gấp vài chục lần, có lẽ trông không khác mấy một bộ đồ chơi lắp hình xinh xẻo của trẻ con.


Để vào trung tâm khu phố, chúng tôi đi ngang qua những ngôi nhà quét vôi vàng và nâu, có hàng rào trông hao hao giậu chè tàu của đồng quê Việt Nam. Bên ngoài khoảng sân cỏ rộng thênh thang xanh um, cây táo nặng trĩu nghiêng cành rụng trái xuống cỏ. Có những trái táo vừa chuyển màu từ xanh sang vàng, có trái đã ngả vàng cam, có trái đỏ ối lấp ló giữa tán lá như “trêu ngươi”.


Vào đến Storagatan, con phố chính của thị xã, tôi thích thú bước trên con đường lát đá cuội mà cô hướng dẫn trong văn phòng du lịch cho biết không thay đổi bao nhiêu so với thời cướp biển Viking còn đi rảo bước cũng chính trên đường phố này nhiều trăm năm trước. Màu sắc nhà cửa ở đây cũng thật hài hòa, nếu nhà này sơn hồng, nhà bên cạnh sẽ sơn màu vàng bơ, và căn tiếp theo màu xanh lá nhạt. Đặc biệt, ở Sigtuna không thấy nhà nào cao quá hai tầng, tất cả đều nhỏ nhắn và khu phố mua sắm còn có thêm những mái vòm vải hơi cong cong điệu đàng. Không biết vào thời Viking ở đây có treo … cờ cướp biển không, nhưng ngày nay đâu đâu cũng thấy treo cờ Thụy Điển màu xanh da trời kẻ sọc vàng mặc dù chúng tôi đến vào một ngày vắng, không phải dịp lễ hội nào.


Thật ra, thị xã chỉ với vài ngàn cư dân này có một vai trò quan trọng trong lịch sử Thụy Điển nhiều hơn ta tưởng. Đây là nơi xưa nhất trên toàn lãnh thổ đất nước này, từng là trung tâm hoàng gia và thương mại trong suốt 250 năm, rất lâu trước khi Stockholm có mặt trên bản đồ thế giới. Đây cũng là nơi những đồng xu đầu tiên của đất nước lớn nhất Scandinavia này được chế tạo nên, 1.000 năm trước khi liên minh Châu Âu cho ra đời đồng tiền euro mà Thụy Điển cho đến giờ vẫn chưa chịu gia nhập.


Chuyến đi Sigtuna sẽ không trọn vẹn nếu bạn quên ghé qua Tant Bruns, quán cà phê trong ngôi nhà còn được giữ gìn xưa nhất ở đây, từ thế kỷ 17. Bên ngoài quán làm bằng thứ gạch đỏ au, vuông vức chắc nịch và to gấp nhiều lần loại gạch nung hiện đại. Cánh cửa gỗ mở hé, mái ngói lợp đã phủ hàng trăm năm rêu xanh (rêu thật chứ không phải rêu mọc từ cháo và axit mà các đoàn làm phim dựng nên để tái hiện cảnh cổ xưa). Đặc biệt bức tượng bà lão mặc đồ miền quê Thụy Điển, cặp kính lão trễ xuống sống mũi ngồi phía trước quán là hình ảnh đặc trưng có mặt trong những tấm postcard của Sigtuna.


Bên trong không còn chỗ nên chúng tôi ngồi uống cà phê với bánh ngọt phết mứt bên ngoài, trên một bộ bàn ghế gỗ sơn đen có tay vịn và chân đứng sơn trắng đỏm dáng, không biết có phải một ví dụ minh họa của trường phái Swedish grace (sự duyên dáng kiểu Thụy Điển) nổi tiếng thế giới chăng? Khoảng sân nhỏ mọc những giậu cây leo đơn giản, hốc cây xưa xù xì được tận dụng trồng những búi hoa be bé, hoa cũng mọc từ những giàn treo bằng đất nung đu đưa trên tường trắng sau lưng ghế. Bánh và cà phê ở đây không thật đặc sắc, có lẽ người ta vào đây một phần vì không khí xưa không dễ tìm ở bất cứ nơi đâu, một phần vì những cô phục vụ nhã nhặn tươi cười hơn vì thức uống.



Trước khi chúng tôi về, thấy tôi có vẻ là khách du lịch cô phục vụ dẫn vào xem bên trong quán cho biết. Ngôi nhà được xây thấp lè tè, không hiểu nổi những người Bắc Âu vốn nổi tiếng cao lớn nhất thế giới làm sao có thể bước thẳng vào đây mà không đụng đầu. Tôi hỏi cô phục vụ cao dong dỏng có khi nào vì vội mang nước ra cho khách mà bị đụng đầu vào cửa không, cô cười khanh khách như thể câu nói của tôi hài hước lắm mặc dù tôi hỏi nghiêm túc, rồi bảo cô chưa bị lần nào. Bên trong rất ấm cúng với ánh sáng vàng mờ mờ từ những bóng đèn xưa duyên dáng trên tường, lao xao tiếng nói cười. Tôi nhất định lần tới sẽ ngồi bên trong.


Chúng tôi lại rảo bước trên những con đường vắng vẻ quanh co, qua những cửa hàng bán đồ “điền viên” trưng bày những hàng mẫu bằng gỗ bên ngoài. Tôi xuýt xoa trước shop bán những đồ liên quan đến hàng hải và biển, rất nên thơ trên thềm rắc đầy lá vàng. Vật giá Bắc Âu rất đắt đỏ nhưng tôi cũng vào chọn được cho mình một mẩu gỗ trang trí treo trước cửa phòng, khắc dòng chữ “Valkommen” (Welcome trong tiếng Thụy Điển) có con chim hải âu bằng gỗ đậu ở trên. Lòng vòng hồi lâu, tôi đi lạc vào một con đường hẹp và bắt gặp một cảnh tượng đáng nhớ: bên trong hàng rào sơn trắng toát có một bông hồng khổng lồ to hơn tô canh nở trong vườn, cành trĩu cả xuống dưới sức nặng của hoa. Khí hậu mùa hè chuyển sang thu an hòa nên hoa trái vào độ “viên mãn”, nhìn mướt mát thật thích mắt.


Trên đường lên đồi lá vàng xào xạc, chúng tôi băng ngang một tảng đá cổ sừng sững dưới vòm cây. Sigtuna là nơi có đá cổ còn sót lại nhiều nhất Thụy Điển. Đây là một trong số hàng trăm tảng đá được dựng lên từ thế kỷ 11 bởi những gia đình giàu có và thợ làm nghề trong vùng, trên khắc những mẫu tự cổ xưa bây giờ không còn dùng nữa. Nếu bạn thật sự yêu thích lịch sử, có thể đến quầy thông tin du lịch trên đường Storgatan để được nhận một bảng giải nghĩa từng mẫu tự, sau đó tự mày mò đọc trên các tảng đá ấy.


Nhưng tôi thích những gì xưa… vừa vừa và đỡ tốn công nghiên cứu hơn nên rất hào hứng khi thấy căn nhà mộc mạc dây thường xuân đỏ sẫm leo kín trên tường. Ánh nắng cuối ngày hắt xiên xiên trước thềm và tán cây cao gầy lêu đêu lá vàng rũ bóng mái ngói đỏ làm tăng thêm vẻ thi vị. Nếu ngay lúc đó có cô gái mặc đồ miền quê Nordic xưa có tạp dề trước ngực, một tay cầm bó hoa cỏ mới hái, tay kia ôm mớ rơm vàng bước ra từ căn nhà ấy, chắc tôi cũng không lấy làm ngạc nhiên.


Chúng tôi leo lên đồi cao, chân dẫm dưới lá vàng xao xác. Scandinavia vào thu sớm nên khi những nước Châu Âu khác cây cối còn xanh um, Sigtuna đã ngập trong lá vàng óng hay vừa chớm từ xanh sang vàng. Nắng hoàng hôn uốn lượn trong rừng lá, như có ai lấy cọ sơn dầu phết những đường sơn vàng thật hòa hợp với bức tranh thiên nhiên.


Lên tới đồi cao, tôi ngồi duỗi chân trên chiếc ghế gỗ, nghe chim hót ríu ran và phóng tầm mắt nhìn ra những mái nhà thưa thớt ống khói lô nhô lẫn trong lá vàng và hồ Malaren trải dài bên dưới, trông xa mặt hồ phẳng lặng như phủ một lớp băng mỏng.


Giấc mơ Scandinavia của tôi…

(Bài đã đăng báo Doanh nhân Sài Gòn Cuối Tuần, tháng 6-2007)

-------------

ĐÃ LÂU RỒI EM KHÔNG LÀM THƠ NỮA

Đã lâu rồi em không làm thơ nữa
Về những cơn mưa
Ướt cả lối em về
Những hàng cây không biết tên
Nở hoa vàng góc phố
Và cỏ dại trong vườn
Vỡ vụn sương khuya

***
Dường như ai búng dây đàn
Tiếng guitar khô gầy căn gác gỗ
Và gió
Gió của chiều lùa qua cửa sổ
Lật những câu thơ
Em viết thuở mười ba
Những bài thơ đầy cỏ và hoa
Em bíu tay vào cửa
Tiếng chim rớt sau nhà...
***
Em đứng cuối đường chờ mùa đi qua
Chờ hoài không thấy
Chợt như ai gọi tên
Em ngoái đầu nhìn lại
Chẳng có ai
Mà đường về hun hút xa...
***
Trong giấc mơ
Những bài thơ hóa thành con bướm ma
Bay mất
Giữa khuya giật mình tỉnh giấc
Nghe tiếng còi tàu buồn như những ngày xưa
Mới thảng thốt nhận ra
Đã lâu rồi
Em không làm thơ nữa...

NGÔ THỊ GIÁNG UYÊN

(Đã đăng trên báo Áo Trắng năm 1998)

"Đi, nhớ và yêu". Báo Phụ Nữ Xuân 2007

ĐI, NHỚ VÀ YÊU…


Nhiều người hỏi tôi đi được nhiều nơi như vậy, có nơi lại đi nhiều lần, có gì hay và không hay. Bạn ạ, nghe có vẻ khó tin nhưng tôi thật sự ghen tị với những ai sắp đi nước ngoài lần đầu. Cảm giác háo hức khi đặt chân đến một nơi mới mẻ, khi tim bạn đập rộn rã trong lồng ngực, hai bàn tay vã mồ hôi, lòng dạ nôn nao như những ngày còn trẻ con đợi Tết ấy, tôi chỉ có mỗi một lần khi đặt chân xuống sân bay Changi của Singapore năm tôi sắp mười chín tuổi. Những lần sau nữa, dù có đi đến những thành phố đẹp nhất thế giới trong số hơn hai mươi nước tôi từng đi qua hay dù cố gắng đến mấy, cảm giác lạ lẫm đáng yêu ấy cũng không còn, buồn thay!

Còn có gì “hay” ư? Có lẽ điều hay nhất khi đi được nhiều nơi là bạn sẽ không còn cái choáng ngợp ban đầu chỉ chú tâm tới những địa danh nổi tiếng và hoành tráng. Bạn sẽ qua thời háo hức đứng chụp ảnh dưới đồng hồ Big Ben ở London hay tháp nghiêng Pisa ở Ý. Và vì không còn choáng ngợp nữa, bạn sẽ nhận ra những điều giản dị của những nơi chốn bạn đi qua ấy, những điều dễ làm bạn nhớ và yêu hơn những thắng cảnh có trong postcard rất nhiều lần.

Tôi thường nghĩ chắc mình không có duyên với nước Pháp. Lần đầu tiên, lúc đang ở nước hàng xóm cách Pháp vài tiếng đồng hồ xe lửa, dự định sẽ ghé thử xem "Paris có gì lạ không em?" thì sếp bảo "Em về lại công ty "coi nhà" dùm chị, chị sắp phải đi công tác rồi", nên đành ngậm ngùi từ bỏ ý định. Lần thứ hai lúc đang học ở Anh, chắc mẩm qua Pháp dễ như ăn kẹo thì gặp phải vụ bị đạo chích nước Áo làm cho đến nỗi phải vất vưởng lang thang, mất cả hộ chiếu phải về lại Anh bằng giấy thông hành tạm thời. Lần thứ ba, tôi tuyên bố "Không đi được chuyến này thì suốt đời ta khỏi thèm đi Pháp luôn", may mà suôn sẻ chứ nếu không chắc tôi... rút lại lời tuyên bố nọ.

Dường như có một sợi dây vô hình nào đó nối Việt Nam và Pháp- hay nói rõ hơn là giữa Sài Gòn với Paris- nên hơn một lần ở Paris sợi dây ấy như làm tim tôi nghẹn lại, lòng trào lên một cảm giác khó tả khác hẳn với những nơi khác tôi từng đến. Không, tôi không nói đến tháp Eiffel huy hoàng, Khải Hoàn Môn kiêu hãnh, hay đại lộ Champs Élysée rộn ràng sang trọng...

Tôi chỉ muốn nói đến con phố Mouftard với quầy bán trái cây giản dị, những nhà hàng Pháp muôn màu có thực đơn lớn bằng gỗ đặt bên ngoài quán, shop đồ lưu niệm với những quả trứng phục sinh bằng gốm xinh xinh, nơi tôi đi bộ trên đường lát đá dưới mưa phùn lất phất chợt nghe tiếng trẻ con ríu rít sau lưng. Chú bé địa phương chừng ba tuổi tóc vàng tơ níu áo tôi, nói với giọng mũi đặc trưng Paris như chim hót "Sao cô đi một mình?". Tôi cười, hỏi lại "Sao con đi một mình?". Chú cười khanh khách, cho ngón tay vào miệng ngậm rồi nhìn tôi chằm chằm. Chưa biết trả lời sao với chú, tôi đã nghe giọng đàn ông từ phía sau "Xin lỗi cô nhé! Nó hay nghịch lắm, không sợ người lạ chút nào! Nè nè nhóc, đừng ngậm ngón tay nữa, ba biểu!" Anh bế bổng chú nhóc lên, bảo "Chào cô đi con. Cô đi chơi vui vẻ nghe!" Chú bé được cha bế còn cố quay đầu lại, cặp mắt xanh biếc nhìn theo tôi mãi tới khi cả hai cha con rẽ sang con phố nhỏ.

Tôi chỉ muốn nói đến những ngôi nhà kiến trúc đặc trưng Pháp, những quán bar sinh viên, rạp chiếu phim, nhà hát... ở quận Latinh, hình như trước đây là nơi ở của "người em mắt nâu, tóc vàng sợi nhỏ" trong một bài hát về Paris của Phạm Duy phổ thơ Cung Trầm Tưởng. Những quán cà phê khi "trời buốt ra đi, hẹn em quán nhỏ" với tàn cây dẻ vươn cành vừa nảy những búp non lên mái. Không gian tràn ngập mùi thơm dễ chịu của những bông hoa thụy hương đầu tiên của mùa xuân, của cây đoan hoa vàng li ti, của bụi hoa mộc qua năm cánh đỏ hồng giống hoa đào miền Bắc Việt Nam những ngày Tết...

Tôi chỉ muốn nói đến hoàng hôn mưa Paris với những dáng người cầm dù chạy hối hả băng qua đường, mặt trời cuối ngày nhuộm vàng những vũng nước mưa loang loáng và những ngôi nhà cửa sổ chia thành ô vuông vắn, có bao lơn bằng sắt bên ngoài. Tôi đứng trú mưa dưới mái vòm khu trung tâm mua sắm La Fayette sầm uất nhộn nhịp người qua lại, nghe ông già địa phương đứng cạnh bên kéo tay nắm chiếc hộp bằng gỗ phát ra những tiếng nhạc buồn buồn, con bồ câu đứng gù cạnh rổ đựng tiền của khách qua đường cho ông đặt gần đó. Bên phải, dưới tàn dù sặc sỡ, một con chó con và mèo con đang nằm ngủ ngon lành trong chiếc nôi có phủ chăn.

Tôi chỉ muốn nói đến buổi tối ngồi với bạn trên bờ sông Seine, nhìn nước sông cuồn cuộn dưới chân cầu Pont Marie. Trời không trăng, không sao, chỉ có ánh đèn từ những nhà hàng cho khách du lịch dọc bờ sông chiếu xiên xiên tới nơi chúng tôi ngồi. Những du khách ngồi cách chúng tôi một quãng đang vừa uống bia với khoai tây chiên vừa trò chuyện ồn ào. Gió thổi lồng lộng, mang theo hơi nước se lạnh phả vào mặt chúng tôi. Một du khách trong nhóm nọ vung tay ném lon bia vừa uống xuống sông, tôi buột miệng “đừng” nhưng không kịp. Tự nhiên tôi thấy hụt hẫng.

Nước sông Seine vẫn chảy cuồn cuộn dưới chân cầu Pont Marie.

***

Không có những mối liên hệ vô hình làm tim tôi nghẹn lại như Pháp, nhưng Thụy Sĩ cũng là một nơi gắn bó thân thiết với tôi, đến nỗi có lần ở đây tôi còn giúp… chỉ đường cho người Thụy Sĩ đến từ những vùng khác.

Một trong những tác giả viết về du lịch tôi yêu thích nhất, Bill Bryson, có những mẩu chuyện vui như sau:

1. Hỏi: bạn gọi nơi tập trung những kẻ nhàm chán nhất thế giới là gì?
Trả lời: Thụy Sĩ

2. Hỏi: Làm thế nào để một người Thụy Sĩ cười?
Trả lời: Kê súng vào đầu anh ta và bảo "Cười đi!"

Chừng này có vẻ cũng đủ hiểu Thụy Sĩ vẫn được xem như một quốc gia nhàm chán của Châu Âu do là nước trung lập không "thèm" tham gia vào bất cứ tổ chức nào hay về phe nào, chỉ biết làm kinh doanh và ngân hàng, lại thêm tính hiệu quả và trật tự cao, không có khiếu hài hước nữa. Thật đáng tiếc cho những ai tin vào điều ấy mà bỏ qua cái hồn của đất nước xứ Alps xinh đẹp đáng yêu này.

Quả thật, nếu Zurich là nơi đầu tiên ở đất nước này bạn đến, chỉ mới nhìn qua Thụy Sĩ có vẻ quá "vương giả" với con phố Bahnhoffstrasse có những hầm vàng nặng trĩu của hệ thống ngân hàng đồ sộ nhất thế giới chôn bên dưới, những cửa hiệu lộng lẫy xa hoa, những quán cà phê sang trọng... Nhưng bước ra khỏi nơi ấy, khi thấy non xanh nước biếc với rặng núi tuyết phủ đẹp như tranh, khó ai có thể cầm lòng không thốt lên "tuyệt vời". Khi tôi tham gia khóa học về môi trường ở Braunwald, cả lớp được tham gia một ngày leo núi Alps. Cho đến giờ nhớ lại, tôi vẫn thấy như in những sườn dốc thoai thoải cỏ xanh mướt đọng đầy sương đêm, hoa mao lương vàng (tôi hay gọi là hoa "cốc bơ") và cúc la mã trắng li ti rợp lối đi mây mù bảng lảng, thỉnh thoảng lại có vài con bò đen trắng đeo chuông leng keng ngước nhìn chúng tôi với cặp mắt ngạc nhiên. Và kìa những vũng tuyết trắng xóa trên núi giữa mùa hè. Trong bài hát "Save the best for last", nữ ca sĩ Vanessa Williams có hát "Đôi khi tuyết rơi vào tháng sáu. Đôi khi mặt trời quay quanh mặt trăng..." để chỉ những gì không thể xảy ra, nhưng có lẽ trên đỉnh núi xứ Alps của đất nước nhỏ bé này, tuyết rơi mùa hè không phải là chuyện hiếm thấy. Còn gì bằng buổi sáng thức dậy mở cửa sổ thấy sương tan, hiện rõ những rặng núi xa tuyết phủ dày và những búi hoa bồ công anh trắng muốt mỏng mảnh bay phơ phất trong gió.

Trong cuốn sách "Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương" của tôi, một trong những câu được nhiều người hỏi đến nhất là "Tôi cũng biết mỗi lần sang Thụy Sĩ khi hôn xã giao phải chìa má ra cho người ta hôn đủ ba "miếng" mới đúng phép". Câu nói này cũng gắn bó với một kỷ niệm khá vui nhộn của tôi. Chuyến đi Thụy Sĩ lần đầu tiên tham gia hội nghị về kinh doanh ở thành phố St. Gallen thời tôi còn học đại học Ngoại Thương, tôi được một anh chàng sinh viên bản xứ đón tại sân bay chở về nơi ở. Đến nơi, theo đúng phép lịch sự tôi nghiêng người cho anh hôn hai bên má tạm biệt, rồi đứng thẳng lên. Cái hôn thứ ba của anh chàng rơi vào... không khí, làm anh mất đà chút nữa ngã nhào. Tôi mang thắc mắc hỏi bạn người địa phương ở chung nhà thì được biết ở đây khi hôn xã giao phải đủ ba lần. Rút kinh nghiệm, tôi không gặp phải tình huống "dễ quê" đó với ai trong suốt chuyến đi, chỉ trừ lần thứ hai gặp lại "người xưa" nọ, tôi chìa má ra đủ ba lần. Không ngờ anh cũng rút kinh nghiệm lần trước như tôi, chỉ hôn hai lần rồi đứng thẳng dậy làm tôi chìa má ra lần thứ ba mà anh không hôn, cả hai chúng tôi đều quê độ, không biết nói gì để lấp liếm. Lần tiếp theo gặp anh, tôi... trốn luôn không chào vì chẳng lẽ bây giờ trước thủ tục hôn xã giao lại hỏi "hun mấy miếng đây?". Từ đó đến nay đã gần bốn năm, tôi có sang lại Thụy Sĩ nhiều lần nhưng không gặp anh lần nào nữa, cũng không gặp phải tình huống nào tương tự ở tất cả những nước tôi qua do chịu khó đọc về văn hóa nơi đó trước khi đến, nhưng kỷ niệm ấy luôn làm tôi mỉm cười mỗi lần ghé thăm sau này.

Xa Thụy Sĩ, tôi không nhớ những đường phố lộng lẫy huy hoàng, những ngân hàng kiêu hãnh đồ sộ mà nhớ con đường nhỏ lát đá cuội với những shop bán hàng kiểu bôhêmiêng tươi tắn trong ánh nắng vàng kem, nhà gỗ xinh xắn bệ cửa sổ đầy hoa phong lữ đỏ và dã yên thảo muôn màu, bầy thiên nga bơi trên làn nước biếc xanh Lucerne, tiếng địa phương đầy những âm tương tự âm "kh" trong tiếng Việt rất đáng yêu, hoa oải hương tim tím thơm vương vấn trong những shop bán hàng tràn ra hè phố nhỏ, những mái nhà nâu lúp xúp bên bờ sông Aare nước xanh ngọc lục bảo ở thủ đô Bern, những góc phố sực nức mùi sôcôla như níu chân khách bộ hành…

Khi viết bài này, tôi đang ngồi nhâm nhi món sôcôla hình con bọ hung mà người bán tặng khi vào một shop bánh kẹo nhỏ xinh trong chuyến đi Thụy Sĩ gần đây nhất, và những kỷ niệm tưởng đã đóng băng trong lòng như tuyết ngàn năm trên núi xứ Alps tự nhiên tan chảy trong tôi. Tôi nhớ đất nước bé nhỏ này quá, trời ạ!

***

Tôi đi, nhớ và yêu tất cả những nơi mình đã ghé qua, nhưng ngoại trừ Việt Nam tôi chỉ thật sự xem nước Anh là nhà, là “home sweet home” của mình. Ở đó có căn phòng nhỏ của tôi nhìn ra khoảng sân sau có cây sồi già rêu bám đầy trên thân tỏa mùi ngai ngái, nơi những cơn mưa nước Anh rả rích đi qua. Sáng sáng lại có một con chim gõ kiến đầu đỏ gõ “tốc tốc” trên cây trước cửa phòng, suốt một thời gian dài đó trở thành chiếc đồng hồ của tôi thay cho tiếng báo thức máy móc vô hồn từ điện thoại di động.

Ở đó, hàng ngày tôi đi bộ đến trường để tiết kiệm tiền xe buýt đắt đỏ ở “nước Anh chém đẹp” (rip-off Britain), băng qua công viên có những bụi cây mâm xôi mùa xuân hoa nở trắng li ti, mùa hè đậu quả tím mọng nước ngon lành. Những cơn mưa luôn kèm theo gió hun hút thổi, bạt cả cây dù tôi cầm trên tay làm cứ vài tháng tôi lại phải mua một cây mới. Có lần mưa lớn, thấy anh bạn thân người bản xứ đứng dưới tán cây cao trong rừng, tôi hớt hải “Đừng đứng đó, coi chừng sét đánh”. Anh bạn cười ngặt nghẽo “Trời, làm như nước nhiệt đới không bằng. Ở đây làm gì có sét” rồi hớn hở mang chuyện này đi kể với gia đình và bạn bè anh. Cũng như hồi tôi ở Sài Gòn, một bạn người Singapore qua chơi thấy lốp bánh xe đốt cháy rừng rực thay cho bảng hiệu bên ngoài một chỗ sửa xe lề đường đã hốt hoảng la “cháy, cháy”, tôi cũng ôm bụng cười rồi mang đi kể với bạn bè như một bằng chứng “người nước ngoài khờ ghê!”

Ở đó, tôi học cách phân biệt giọng địa phương từ khắp nơi, không chỉ giữa giọng Anh với giọng Scotland, xứ Wales và Ailen mà cả giọng từ những thành phố khác nhau, ngày về “trình độ” của tôi đã đạt được mức có thể hiểu những giọng khó nghe nhất từ Newcastle hay Liverpool. Tôi học được sự phân biệt Nam-Bắc rõ rệt ở nước Anh, với miền Nam- vốn giàu có và lịch thiệp với sự hậu thuẫn của thành London- xem dân miền Bắc thô lỗ quê mùa, còn miền Bắc chê dân miền Nam trưởng giả yếu đuối. Những chuyện này thường dân Anh “đóng cửa dạy nhau” nên nhiều người dù sống ở đây lâu năm vẫn khó biết được, trừ những dịp như vào sân vận động xem trận bóng đá giữa hai đội đến từ hai miền khác nhau.

Ở đó, tôi trải qua mùa đông nước Anh dài lê thê với những buổi sáng sương muối bám kín phủ mờ cửa sổ. Những ngày không mặt trời ngủ nướng sợ trễ giờ học, đứa bạn chung nhà và tôi không đi bộ nổi đành lái xe tới trường, trước khi đi phải hì hục cạo lớp sương giá và tuyết bám dày trên cửa kính xe. Những ngày ba giờ chiều trời đã tối mịt, tôi chỉ có chiếc máy nghe nhạc xách tay làm bạn đồng hành trên những con phố vắng người, nghe giọng Keane hát da diết trên radio, da diết đến nỗi sau này khi đã về Việt Nam, mỗi lần nghe bài “This is the last time” tôi lại nghĩ về những ngày ấy.

The last time
You fall on me for anything you like
Your one last lie
You fall on me for anything you like
And years make everything alright
You fall on me for anything you like
And I, no I don't mind

Ở đó, tôi ghé thăm nhà ba mẹ bạn tôi những ngày đầu xuân, khi hoa táo nở bung trắng hồng nhụy rung rinh thơm ngào ngạt khắp những vòm cây. Ngôi vườn xinh xắn cỏ xanh mướt và ong bay vo ve suốt ngày ấy là thiên đường của tôi, với hoa nở tươi tắn và những luống rau giản dị tỏa mùi thiên nhiên tôi say sưa hít căng lồng ngực. Ở đó có mùi thơm nồng nồng ấm áp của hoắc hương, rau xô thơm và gỗ đàn hương, mùi cay cay của đinh hương, rau bạc hà và lá cây linh sam, mùi ngọt ngào của hoa hồng và hoa lan chuông, ngai ngái của cỏ xạ hương. Mấy tháng sau tôi quay lại cây táo đã đậu trái, những trái táo dùng để nấu (cooking apples) to bằng nắm tay, hơi méo mó không mũm mĩm trơn láng, tôi khoái trá mang rổ ra hái mang vào cho mẹ bạn làm món táo hầm thịt bò ngon lành. Hái ở dưới xong, bản tính con nít nhà quê Việt Nam trong tôi trỗi dậy, tôi thoăn thoắt trèo lên cao, mặc kệ ông bạn đứng dưới hết la lối đến năn nỉ.

Ở đó, tôi đã sống những ngày tháng vừa êm đềm vừa rộn rã, những ngày tháng rất thật thời tuổi trẻ của tôi…


NGÔ THỊ GIÁNG UYÊN



Giáng Uyên đã có nhiều bài viết đăng trên các báo Tuổi Trẻ, Sài Gòn Giải Phóng, Phụ Nữ Chủ Nhật, Doanh Nhân Sài Gòn Cuối Tuần, Nhịp Cầu Đầu Tư, Kiến Trúc Nhà Đẹp… Dưới đây là một vài trong số rất nhiều bài báo của Uyên

Hoa nhung tuyet 31-12-2006

Hội chợ phù hoa. Đăng trên số đầu tiên của Tuổi Trẻ Cuối Tuần (trước đây là Tuổi Trẻ Chủ Nhật) ngày 1-1-2006

Một vài diễn đàn về bài báo "Hội chợ phù hoa" của Uyên

Giới trẻ Việt Nam mình không thông minh. Diễn đàn Viethiphop

Người trẻ trong Hội chợ phù hoa. Diễn đàn Hoathuytinh

Ăn Ý. Đăng trên báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật ngày 31-7-2005

(Viết về những món ăn ngon lành địa phương trong chuyến đi Ý của tác giả mùa hè năm 2005)

Đi tìm dấu vết The Beatles. Đăng trên báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật ngày 23-10-2004

(Viết về chuyến đi thăm thành phố Liverpool, quê hương của tứ quái lẫy lừng thế giới The Beatles, những ngày tác giả mới sang Anh du học)

Phố yêu.
Đăng trên tạp chí Kiến trúc Nhà đẹp ngày 01-02-2006

(Viết nhân lễ Valentine 2006, về ba "phố yêu" Venice, Paris và Vienna)


Copyright © 2006 by Ngo Thi Giang Uyen. All Rights Reserved. - Thiet ke web PAH
Chào mừng lượt truy cập thứ (671440)
Từ ngày 01 tháng 12 năm 2006